Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Việt Hán

Ngày xuất bản : 20/08/2017 | 15:30

Dân tộc Hoa sinh sống rải rác ở khắp các tỉnh ở cả nông thôn và thành thị. Người Hoa sinh sống bằng đủ mọi nghề tuỳ địa bàn mà họ cư trú, ở đâu họ cũng lao động cật lực, sáng tạo và có nhiều thành đạt trong các ngành thương nghiệp và dịch vụ.

Các dân tộc Việt Nam theo ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Hán

1. Dân tộc Hoa

Dân tộc Hoa sinh sống rải rác ở khắp các tỉnh ở cả nông thôn và thành thị. Người Hoa sinh sống bằng đủ mọi nghề tuỳ địa bàn mà họ cư trú, ở đâu họ cũng lao động cật lực, sáng tạo và có nhiều thành đạt trong các ngành thương nghiệp và dịch vụ.
Tại mỗi địa phương người Hoa sống tập trung; ở nông thôn thì thành làng và hương, mà phổ biến là Minh Hương (làng người Minh); ở thành phố sống thành các bang rất gắn bó với nhau; nhà ở phổ biến là nhà kiểu chữ môn, 3 gian hai chái; duy trì gia đình phụ hệ truyền thống đại gia đình với 4-5 đời.

Trang phục truyền thống của người Hoa hiện chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hay trong các nghi lễ cưới xin, tang ma. Trong xã hội người Hoa, mối quan hệ với những người cùng họ được hết sức coi trọng; mỗi dòng họ có một từ đường để thờ cúng. Những hoạt động kinh doanh, sản xuất thường có các hội nghề nghiệp tương ứng, những hội này đều có một vị tổ và ngày giỗ tổ trong năm. Một số tập tục vẫn được bảo lưu như trong hôn nhân cha mẹ định đoạt với tiêu chuẩn "môn đăng, hộ đối". Ma chay phải tuân thủ nghiêm ngặt từ báo tang cho đến lễ đoạn tang. Nổi bật trong tín ngưỡng dân gian là thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ (thần Bếp, Thổ Địa, thần Tài...) và một số vị thánh, bồ tát; theo đạo Nho, Phật, Lão với hệ thống chùa, miếu khá phát triển. Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ phong phú, có hát" sơn ca" với nhiều chủ đề khác nhau; ca kịch với nhiều loại nhạc cụ; ngày lễ tết múa sư tử, múa Lân, quyền thuật và nhiều trò chơi truyền thống.

2. Dân tộc Ngái

 Người Ngái sống phân tán trong các tỉnh Bắc Cạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Người Ngái sinh sống trong nội địa lấy việc trồng lúa nước làm nguồn sống chính, ngoài ra họ còn trồng ngô, khoai, sắn, chăn nuôi... Bộ phận ở ven biển, hải đảo sống bằng nghề đánh cá là chủ yếu. Thủ công nghiệp với các nghề như làm mành trúc, dệt chiếu, mộc, nề, rèn, gạch ngói, nung vôi... cũng đóng vai trò đáng kể trong đời sống người Ngái.

Người Ngái ở nhà đất với kiểu kiến trúc và chất liệu lợp mái khác nhau; bộ phận ở ven biển và hải đảo thường sống ngay trên thuyền. Gia đình nhỏ phụ quyền; trong mỗi làng bản, vị trí người tộc trưởng của dòng họ lớn nhất được đề cao và có vai trò lớn trong việc giải quyết các quan hệ làng xóm. Nghi thức đám cưới có hai bước là lễ thành hôn và lễ nhập phòng; tuổi kết hôn sớm, hôn nhân mang tính gả bán cao. Sau đám cưới cô dâu cư trú bên chồng. Khi có người chết thường chôn theo nhiều đồ tuỳ táng mà khi sống người ta vẫn hay dùng; tang lễ có nhiều công đoạn phức tạp: báo tang, nhập quan, chôn cất, mở mả... Người Ngái thường thờ cúng nhiều đối tượng như tổ tiên, thần Phật, ma rừng, vong hồn thập loại chúng sinh; nghi thức thờ cúng mỗi đối tượng khác nhau, dùng các loại lễ vật khác nhau. Người Ngái có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với các loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ và đặc biệt là loại văn học truyền miệng.

3. Dân tộc Sán Dìu

Dân tộc Sán Dìu sinh sống tập trung ở trung du Bắc Bộ, trong vùng từ tả ngạn sông Hồng đổ về phía đông. Làng xóm của họ tựa như làng người Kinh, có luỹ tre bao bọc và giữa các nhà thường có tường hay hàng rào. Kinh tế nông nghiệp làm ruộng nước và đất bãi, soi, nương; khai thác lâm sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; đánh bắt và nuôi thả cá; thủ công nghiệp có làm gạch ngói, rèn, đan lát...

Bộ y phục truyền thống của phụ nữ gồm khăn đen, áo dài (đơn hoặc kép), nếu là áo kép thì bao giờ chiếc bên trong cũng màu trắng còn chiếc bên ngoài màu chàm, dài hơn một chút; yếm màu đỏ; thắt lưng màu trắng, hồng, hay xanh lơ; váy là hai mảnh rời cùng chung một cạp; xà cạp màu trắng. Nam giới ăn mặc như người Kinh, búi tóc vấn khăn hoặc đội khăn xếp, áo dài thâm, quần trắng. Trong hôn nhân, nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu, tuy nhiên quyết định là do bố mẹ và khi lấy nhau phải xem tuổi có hợp thì mới được. Giống như nhiều dân tộc khác, người Sán Dìu có hát giao duyên nam nữ mà họ gọi là soọng cô, thường được hát về đêm, có những cuộc hát kéo dài suốt nhiều đêm. 

Bình luận

Những trường đánh dấu * là bắt buộc, địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị công khai

Thong ke