Quá trình hình thành, phát triển, tạo đà bứt phá và tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch

Ngày xuất bản : 18/08/2017 | 16:25

► Hình thành dự án

Cuối năm 1988 đầu năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND TP. Hà Nội đã đề xướng xây dựng dự án Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với định hình ban đầu đây chỉ là một dự án với một làng nhỏ vài chục nhà sàn bên hồ Tây.

Ngày 26/09/1992, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4375/KG nêu yêu cầu về việc cần kết hợp thêm mục đích du lịch cho Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngày 19/10/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin cùng với UBND TP.Hà Nội gửi Công văn số 3397.VX/UB báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nội dung cuộc họp giữa Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND TP.Hà Nội về việc thống nhất xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngày 05/04/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định 503TC/QĐ thành lập Ban Chuẩn bị đầu tư với nhiệm vụ xây dựng Đề án chung xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ban Chuẩn bị đầu tư đã làm việc với Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa Dân gian về nội dung văn hóa dân tộc của dự án và đã tổ chức “Trưng cầu ý tưởng quy hoạch Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, mời 05 đơn vị trong nước và 01 đơn vị nước ngoài tham vấn, đồng thời tổ chức một số triển lãm các ý tưởng quy hoạch để giới thiệu, xin ý kiến các nhà chuyên môn, trí thức và đông đảo nhân dân trong cả nước về việc xây dựng, thực hiện dự án tiền khả thi - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đơn vị được chỉ định để thực hiện dự án tiền khả thi là Ban Chuẩn bị đầu tư và liên danh ba đơn vị Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, Viện Thiết kế Công trình Văn hóa và Công ty Goh Hock Guan and Associates.

Đầu tháng 09/1995, dự án tiền khả thi được hoàn thành, trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ngày 21/8/1997, Chính phủ ra Quyết định số 667/TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký phê duyệt Quy hoạch tổng thể và nêu rõ tên dự án “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, khẳng định dự án phục vụ du lịch bằng hoạt động văn hóa.

► Tự khẳng định và phát triển

Ngày 03/10/1999, Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL các DTVN) được khởi công xây dựng, đánh dấu sự ra đời trên thực tế. Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã nhanh chóng chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng, đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị với các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan, cũng như tiến hành hàng loạt các công việc cần thiết, trong đó, đặc biệt coi trọng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác rà phá bom mìn, khảo sát cổ học và thực hiện các dự án bước đầu về hạ tầng kỹ thuật chung.

Với chủ trương để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, tạo điều kiện để các địa phương, đồng bào các dân tộc tham gia từ khâu thiết kế thi công đến quản lý, vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN luôn tích cực xin ý kiến các nhà chuyên môn, nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, các nhà quản lý về văn hóa dân tộc. Từ năm 2005 - 2007, cơ bản hoàn tất việc xin ý kiến chủ thể văn hóa, các cấp địa phương, các cơ quan Trung ương liên quan về xây dựng Khu các làng dân tộc với 17 hội nghị, hội thảo và tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam (11/2005).

Do còn những bất cập tồn tại trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng, Lãnh đạo Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển Làng VHDL các DTVN giai đoạn 2006 - 2010 và đề xuất với Bộ Văn hóa - Thông tin các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục những vướng mắc tồn tại. Ngày 19/8/2005, Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt tại Quyết định số 6630/QĐ - BVHTT.

► Tạo đà và bứt phá

Từ 2007 trở đi, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp về chỉ đạo, điều hành quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, hợp tác huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao… hướng tới mục tiêu khai trương Làng VHDL các DTVN vào năm 2010. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã đề xuất với Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Chính phủ về việc chuyển giao Nông trường Đồng Mô về trực thuộc Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN, theo đó, đến năm 2008, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã đề xuất và xây dựng đề án về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và tổ chức thành công Lễ công bố Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Làng VHDL các DTVN ngày 19/4/2009.

Ngày 19/4/2010, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã tổ chức thành công Hội nghị cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc thuộc Làng VHDL các DTVN với sự tham dự của 270 đại biểu, đại diện các nhà quản lý của các Bộ, Ban, ngành, tổng cục, cục vụ, viện ở Trung ương, UBND, Sở VHTTDL, Ủy ban Dân tộc của 40 tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc, nhân sĩ trí thức, già làng, nghệ nhân dân gian của 47 dân tộc trong 54 dân tộc anh em.

► Khai trương Làng VHDL các DTVN và tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch

Tiếp tục triển khai Kế hoạch đầu tư phát triển Làng VHDL các DTVN từ 2010 đến 2015, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã tập trung hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, thúc đẩy hoàn thiện không gian văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam và tổ chức thành công sự kiện khai trương, đưa vào hoạt động một phần Làng VHDL các DTVN (19/9/2010), góp phần thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bên cạnh đó, song song với đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư và từng bước vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc (thuộc Làng VHDL các DTVN) với sự tham gia của các chủ thể văn hóa, các địa phương trong cả nước và của các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch: Festival Thanh niên các dân tộc Việt Nam (4/2011), Trình diễn Trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam (11/2011), Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam (18-19/4/2012)...

Bình luận

Những trường đánh dấu * là bắt buộc, địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị công khai

Tin liên quan

Thong ke