Các dân tộc Việt Nam theo ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo
Ngày xuất bản : 20/08/2017 | 15:32
1. Dân tộc Chăm
Dân tộc Chăm cư trú tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, ngoài ra còn có ở các tỉnh An Giang, Bình Định, Đồng Nai, Phú Yên, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Người Chăm ở nhà trệt. Mỗi gia đình có những ngôi nhà được xây cất gần nhau theo một trật tự gồm: nhà khách, nhà của cha mẹ và các con nhỏ tuổi, nhà của các cô gái đã lập gia đình, nhà bếp và nhà tục trong đó có kho thóc, buồng tân hôn và là chỗ ở vợ chồng cô gái út. Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, giỏi làm thuỷ lợi và làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ trên sườn núi. Bộ phận người Chăm ở Nam Bộ lại sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu. Nghề thủ công phát triển ở vùng Chăm nổi tiếng là dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên.
Nam nữ đều quấn váy tấm; đàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy; đàn bà mặc áo dài chui đầu. Màu chủ đạo trên y phục là màu trắng của vải sợi bông. Ngày nay trong sinh hoạt hàng ngày, người Chăm ăn mặc như người Kinh ở miền Trung, chỉ còn thấy chiếc áo dài chui đầu xuất hiện trong giới nữ cao niên. Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ. Ở những vùng theo Hồi giáo Islam, tuy gia đình đã chuyển sang phụ hệ, vai trò nam giới được đề cao, nhưng những tập quán mẫu hệ vẫn tồn tại khá đậm nét trong quan hệ gia đình, dòng họ với việc thờ cúng tổ tiên. Phụ nữ chủ động trong quan hệ hôn nhân, cư trú phía nhà vợ, con sinh ra theo họ mẹ. Sính lễ do nhà gái lo liệu. Gia đình một vợ một chồng là nguyên tắc trong hôn nhân. Trong tang lễ, nhóm cư dân theo đạo Bàlamôn thường hoả táng theo giáo luật, còn nhóm cư dân khác thì thổ táng. Những người trong cùng một dòng họ thì được chôn cất cùng một nơi theo huyết thống mẹ. Dân tộc Chăm có chữ viết từ rất sớm, hiện tồn tại nhiều bia kí, kinh thánh bằng chữ Chăm, việc sử dụng chữ này còn rất hạn hẹp trong tầng lớp tăng lữ, quí tộc xưa. Về mặt văn hoá nghệ thuật, dân tộc Chăm để lại nhiều giá trị kiệt xuất, ngoài kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, thì có hàng trăm toà tháp Chàm lộng lẫy. Nền dân ca- nhạc cổ Chăm đã để lại nhiều ảnh hưởng đến dân ca- nhạc cổ của người Kinh ở miền Trung như trống cơm, nhạc nam ai, ca hò Huế... Dân vũ Chăm được thấy trong các ngày hội Bon katê diễn ra tại các đền tháp.
2. Dân tộc Chu-ru
Người Chu-ru sinh sống tập trung ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh tỉnh Lâm Đồng, một số khác ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Kinh tế làm ruộng lúa nước là chủ yếu; ruộng có hai loại là ruộng sình và ruộng khô; việc làm thuỷ lợi bằng mương, phai, đê, đập được chú trọng; vườn có trên rẫy và vườn ở gần nhà; săn bắn, hái lượm truyền thống vẫn được duy trì; nghề thủ công gia đình phổ biến có đan lát, gốm thô. Nghề dệt không phát triển nên những sản phẩm của y phục có được đều do trao đổi với các dân tộc láng giềng.
Người Chu-ru ở nhà sàn làm bằng tre, gỗ, bương, mai; cư trú theo đơn vị làng. Gia đình mẫu hệ với vai trò được tôn vinh là người phụ nữ, người thừa kế của gia đình, dòng họ mẹ. Người phụ nữ chủ động trong quan hệ lứa đôi, sau lễ cưới người con gái phải ở dâu nửa tháng tại gia đình chồng để chờ lễ đón rể về nhà, họ cư trú phía nhà gái. Vốn ca dao, tục ngữ rất phong phú, phản ánh việc đề cao vai trò phụ nữ, ca ngợi chế độ gia đình mẫu hệ.
3. Dân tộc Ê-đê
Dân tộc Ê-đê sinh sống tập trung ở tỉnh Đắc Lắc, phía nam tỉnh Gia Lai và phía tây hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà; là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Người Ê-đê chủ yếu trồng lúa rẫy theo chế độ luân khoảnh; rẫy đa canh và mỗi năm chỉ trồng một vụ; ruộng nước trâu quần chỉ có ít nhiều ở vùng người Bih ven hồ Lắc; chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu phục vụ cho tín ngưỡng. Nghề thủ công gia đình phổ biến có nghề đan lát mây tre làm đồ gia dụng, nghề trồng bông dệt vải bằng khung dệt kiểu Inđônêdiêng cổ xưa; nghề gốm và rèn không phát triển lắm.
Trang phục truyền thống là phụ nữ quấn váy tấm dài đến gót, mùa hè thì ở trần hay mặc áo ngắn chui đầu; nam giới đóng khố, mặc áo cánh ngắn chui đầu, mùa lạnh nam, nữ thường choàng thêm một tấm mền; ưa chuộng đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm, ngày trước có tục cà răng căng tai và nhuộm răng đen. Xã hội Ê-đê vận hành theo tập quán pháp cổ truyền của tổ chức gia đình mẫu hệ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. Buôn là đơn vị cư trú cơ bản và cũng là tổ chức xã hội duy nhất; đứng đầu mỗi buôn có một người được gọi là chủ bến nước (pô pin ea) thay mặt vợ điều hành mọi hoạt động của cộng đồng. Ngôi nhà truyền thống của người Ê-đê là nhà sàn dài kiến trúc mô phỏng hình thuyền, không gian nội thất chia ra làm hai phần theo chiều dọc. Phần đầu gọi là gah, vừa là phòng khách, vừa là nơi sinh hoạt công cộng của cả đại gia đình mẫu hệ; phần cuối gọi là ôk, dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn bằng phên nứa. Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể. Về tang lễ, xưa kia có tục người cùng một dòng họ chết trong một thời gian gần nhau thì các quan tài được chôn chung cùng một huyệt; người chết được chia tài sản đặt ở nhà mồ. Khi dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình, sau đó là sự kết thúc việc săn sóc vong linh và phần mộ. Về văn nghệ có hình thức kể khan rất hấp dẫn, có trường ca sử thi nổi tiếng như Đam San, Đam Kten Mlan; nền âm nhạc Ê-đê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng.
4. Dân tộc Gia-rai
Dân tộc Gia-rai là một trong những cư dân sớm sinh tụ ở vùng núi Tây Nguyên, sinh sống tập trung ở tỉnh Gia Lai, một số ở tỉnh Kon Tum và phía bắc tỉnh Đắc Lắc. Ngoài ra, dân tộc Gia-rai còn cư trú rải rác ở các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận.... Kinh tế chủ yếu là trồng lúa nương rẫy với kỹ thuật đơn giản, nương phát, đốt, cuốc xới đất, chọc lỗ tra hạt; chăn nuôi khá phát triển, nuôi gia súc, gia cầm và nhiều voi, ngựa; các nghề thủ công có dệt, đan lát; săn bắn, hái lượm và đánh cá truyền thống vẫn được duy trì.
Đàn ông đóng khố, có nhiều sọc đỏ và trắng chạy dọc, hai đầu có tua, đính hạt trai lấp lánh, áo bà ba cổ cao có sọc trắng hay đỏ ở ngực; phụ nữ mặc váy dài, gấu váy có đường viền màu đỏ hay trắng, áo màu chàm thẫm, bó sát người, thân và tay trang trí sọc, thích đeo vòng trang sức bằng bạc. Nơi ở quanh năm nóng nực nên cả nam lẫn nữ thích cởi trần. Làng (Plơi hoặc Bôn) vừa là đơn vị cư trú vừa cấu kết thành tổ chức xã hội. Dòng họ theo chế độ mẫu hệ nên phả hệ toàn tính về dòng mẹ. Gia đình nhỏ mẫu hệ là nét nổi bật của người Gia-rai khác với trường hợp của người Ê- đê là đại gia đình mẫu hệ. Luật tục nghiêm cấm những người cùng ngành họ và dòng mẹ lấy nhau; con gái chủ động chọn lựa lấy chồng, bảo lưu tục chồng chết vợ lấy em chồng và ngược lại vợ chết chồng có thể lấy chị vợ; khi đã thành vợ chồng, đàn ông phải sang nhà vợ, không có chuyện ngược lại. Người Gia-rai theo tục tất cả người cùng họ mẹ chôn chung một huyệt; người đàn ông chết phải khiêng về chôn ở phía huyệt mẹ mình. Người Gia-rai theo vạn vật hữu linh, thần linh có nhiều loại, trong đó các thần (Yang) được thờ cúng và kính trọng nhất là Thần Nhà; thần Làng, thần Nước và thần Vua. Ngoài ra người Gia-rai còn tin khi người chết biến thành ma, có hiện tượng gán cho người có ma thuật làm hại gọi là ma lai. Lễ nghi lớn nhất là lễ bỏ mả, tạc tượng mồ, lễ lên nhà mới, có ăn uống, hát, biểu diễn cồng chiêng. Người Gia-rai có nhiều trường ca như Đăm Di, Xinh Nhã... Đàn Tơ rưng, Krông put, Tưng nưng... rất được phổ biến.
5. Dân tộc Ra-glai
Người Ra-glai sinh sống tập trung ở các huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận, Bắc Bình tỉnh Bình Thuận và một số nơi thuộc Phú Yên, phía nam tỉnh Khánh Hoà, Lâm Đồng trong các bản làng (Pa Lây) ở vùng núi và thung lũng có độ cao từ 500 - 1.000 mét. Nghề làm rẫy luôn chi phối các hoạt động kinh tế khác; rèn, đan lát là hai nghề thủ công khá phát đạt; ngày nay cư dân đã biết trồng lúa nước.
Trước đây họ ở nhà sàn, hiện nay nhà đất đã khá phổ biến. Nhà có cấu trúc và được lắp ghép đơn sơ. Đứng đầu mỗi làng là một Pô Pa Lây (trưởng làng) thường là người có công lập làng. Mọi quan hệ xã hội của người Ra-glai đều chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ. Lễ cưới được tiến hành ở hai bên gia đình, nhà gái trước nhà trai sau. Trong lễ cưới, nghi thức quan trọng nhất là trải chiếu, trên chiếc chiếu này, họ ăn bữa cơm đầu tiên trước sự chứng kiến của hai họ; sau lễ cưới việc cư trú bên vợ đang còn phổ biến. Về văn hoá, văn nghệ người Ra-glai có nhiều truyện cổ tích, thần thoại, những làn điệu dân ca, tục ngữ, ca dao. Nhạc cụ có đàn đá đánh thay chiêng khá lý thú và độc đáo.
Danh mục
- Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Tạng - Mianma (03:15 20/08/2017)
- Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Việt Hán (03:53 20/08/2017)
- Các dân tộc Việt Nam (03:14 20/08/2017)
- Giới thiệu chung (04:17 20/08/2017)
- Dân tộc Bố Y (09:48 18/08/2017)
- Dân tộc Ba Na (09:31 18/08/2017)
- Sứ mệnh tầm nhìn (05:08 11/08/2017)
- Phân cá voi giúp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu (05:08 11/08/2017)
- Đảm bảo an toàn các hồ chứa đối phó với bão Rammasun (05:08 11/08/2017)
- Chia sẻ kinh nghiệm phát triển rừng thích ứng biến đổi khí hậu (05:08 11/08/2017)
Bình luận
Tin liên quan