Dân tộc Chứt
Tên tự gọi: Chứt.
Tên gọi khác: Rục, Arem, Sách.
Nhóm địa phương: Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng.
Dân số: 6.022 người (Tổng cục Thống kê năm 2009)
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á).
Nguồn gốc lịch sử: Quê hương xưa của người Chứt thuộc địa bàn cư trú của người Việt ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Địa bàn cư trú: Quê hương của người Chứt vẫn Ở Bố Trạch, Quảng Trạch. Sau này họ di tán phần lớn lên vùng núi Minh Hóa, BốTrạch.
Đặc điểm kinh tế: Người Chứt sống bằng nông nghiệp nương rẫy du canh và săn bắn hái lượm. Các giống cây trồng chính là ngô, sắn, đỗ, lúa. Chăn nuôi trâu, bò phục vụ cày bừa, làm sức kéo. Ðan lát chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Ðôi nơi họ biết thêm nghề rèn dao, rìu.
Phong tục tục quán
Ăn: Lương thực chủ yếu là ngô, sắn. Ngày ăn hai bữa trưa và tối. Những năm mất mùa, họ phải ăn bột báng (bột nhúc) đồ thay cơm quanh năm.
Ở: Họ quen ở trong các túp lều dùng dây buộc, dùng cột ngoãm hay ở trong các hang đá, mái đá. Ngày nay, họ sống tập trung ở các bản nhỏ trong các thung lũng, tập hợp thành Cà Vên (làng)
Hôn nhân: Trai gái được tự do tìm hiểu yêu đương. Trước lễ cưới thường có dạm hỏi . Lễ vật dẫn cưới phải có thịt khỉ sấy khô .
Phương tiện vận chuyển: Phổ biến là gùi có dây đeo vai, vác hoặc người kéo.
Tang ma: Nhà giàu làm quan tài bằng thân cây khoét rỗng; nhà nghèo chỉ bó người chết bằng vỏ cây.
Lễ hội: Các nghi lễ nông nghiệp thường được thực hiện như lễ xuống giống, lễ sau gieo hạt, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng được mùa.
Tín ngưỡng: Tổ tiên được thờ tại nhà tộc trưởng. Tin vào các loại ma rừng, ma suối, thổ công, ma bếp.... trong đó quan trọng nhất là ma làng.
Trang phục: Mùa hè, nam giới đóng khố, cởi trần. Phụ nữ mặc váy. Mùa đông, họ mặc áo làm bằng vỏ cây. Hiện nay đồng bào mặc giống như người Việt.
Đời sống văn hóa: Người Chứt thích dùng đàn, sáo, hát các giai điệu khác nhau. Họ có nhiều truyện cổ tích, thần thoại, đặc biệt truyện kể về sự khai thiên lập địa và sinh ra con người.
BP