Tình hình giá cả thị trường tháng 5/2016
Ngày xuất bản : 11/08/2017 | 17:37
Thóc, gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường ổn định so với tháng 4/2016. Giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.500 – 7.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 8.000 – 9.500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.500 – 14.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thóc gạo giảm so với tháng 4/2016. Giá thóc khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.300 – 5.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm dao động từ 7.600 – 8.000 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.500 – 7.650 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng/kg. Nguyên nhân giá thóc gạo tại miền Nam giảm do thông tin Thái Lan xả kho gạo dự trữ 11,4 triệu tấn.
Thực phẩm tươi sống: Trong tháng 5/2016, giá các loại thực phẩm tươi sống có diễn biến trái chiều. Giá thịt lợn hơi sau khi tăng vào đầu tháng do nhu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh thì đến nay giá đã giảm và ổn định do cơ quan thú y của Trung Quốc tăng cường kiểm soát khiến xuất khẩu tiểu ngạch bị dồn ứ tại cửa khẩu, xuất khẩu lợn chỉ được thực hiện tại một số cửa khẩu, còn lại chủ yếu đi qua đường mòn, lối mở. Mặt khác, chính quyền Bắc Kinh đã có chương trình bán thịt lợn bình ổn nhằm giải tỏa áp lực nguồn cung và chặn đà tăng giá mạnh của thịt lợn. Nhìn chung, lợn xuất chuồng ở các trang trại chăn nuôi các tỉnh phía Nam hiện vẫn ổn định, người chăn nuôi vẫn có lãi. Cụ thể giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như sau: Thịt lợn hơi tăng khoảng 1.000 đồng/kg: Tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 50.000 – 54.000 đồng/kg; tại Miền Nam, giá phổ biến khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg. Thịt bò thăn ổn định, giá phổ biến khoảng 260.000 – 275.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giá phổ biến ở mức 115.000 – 125.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 57.000 – 60.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau, củ, quả giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Cụ thể: Bắp cải phổ biến 15.000 -17.000 đồng/kg, giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg; khoai tây phổ biến 17.000 – 20.000 đồng/kg, giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg; cà chua phổ biến 17.000 – 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản tăng nhẹ do thời tiết nắng nóng và tình trạng xâm nhập mặn tăng cao khiến nguồn cung giảm, cụ thể: Cá chép phổ biến 73.000 – 80.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; tôm sú phổ biến 187.000 – 190.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cá quả phổ biến 125.000 – 127.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Muối: Trong tháng 5/2016, giá muối trong cả nước có xu hướng giảm, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ do khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long thời tiết khô hạn, lượng muối sản xuất tăng mạnh nên lượng muối tồn chờ tiêu thụ trong vụ sản xuất lớn. Cụ thể giá muối tại miền Bắc từ 1.000 – 2.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg; Nam Trung Bộ: muối thủ công từ 250 – 650 đồng/kg, giảm 50 – 150 đồng/kg, muối công nghiệp từ 550 – 700 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long từ 300 – 850 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Phân bón ure: Do giá phân bón thế giới đang có xu hướng giảm và nhu cầu phân bón trong nước tháng 5/2016 vẫn trong giai đoạn thấp, bên cạnh đó hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng làm giảm diện tích gieo trồng, nên giá phân bón trong nước giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg. Cụ thể: Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.500 – 7.700 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.500 – 7.600 đồng/kg.
Đường: Do hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng đã ảnh hưởng đến sản lượng mía niên vụ 2015 – 2016; bên cạnh đó, dự báo thiếu hụt đường trên thế giới và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng đã tác động làm giá bán đường trên thị trường tháng 5/2016 tăng so với tháng 4/2016, giá bán buôn đường RS dao động từ 16.000 – 17.100 đồng/kg, tăng khoảng 1.400đồng/kg; giá bán buôn đường RE ở mức 17.000 – 18.200 đồng/kg, tăng khoảng 1.200 – 1.300 đồng/kg. Giá bán lẻ đường trên thị trường ổn định ở mức khoảng 17.000 – 19.000 đồng/kg.
Thức ăn chăn nuôi: Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giá hầu hết các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng trong tháng 5/2016 (trừ giá bột cá ổn định), mức tăng từ 2,5-21,5% (khô dầu, lysine, methione, ngô, sắn lát…). Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tháng này tăng nhẹ so với tháng trước, hiện giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt ở mức 9.200 -9.400 đồng/kg, tăng 1,6% so với tháng trước, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt ở mức 8.200 đồng/kg, tăng 2,2%.
Xi măng: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 5/2016 cơ bản ổn định so với tháng 4/2016; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 – 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 – 1.850.000 đồng/tấn.
Thép xây dựng: Do giá nguyên liệu đầu vào (phôi thép, thép phế) có biến động tăng nên đầu tháng 5/2016, một số nhà máy sản xuất thép trong nước đã điều chỉnh tăng giá thép xây dựng khoảng 500-1.000 đồng/kg tùy từng loại; bên cạnh đó, một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm mức chiết khấu bán hàng từ 200 – 250 đồng/kg tùy từng loại. Giá bán lẻ thép xây dựng tháng 5/2016 tăng khoảng 500 – 1.000 đồng/kg so với tháng 4/2016; cụ thể tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giá dao động phổ biến ở mức 12.600 – 14.550 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động phổ biến ở mức 12.700 – 14.850 đồng/kg.
LPG: Dưới tác động của giá CP, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng giá LPG khoảng 451 – 455 đồng/kg, tương ứng với mức điều chỉnh tăng khoảng 5.000 – 5.500 đồng/bình 12kg. Cụ thể giá bán lẻ đến tay ngươi tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 274.500 đồng/bình 12kg (tăng khoảng 5.500 đồng/bình 12kg); Hà Nội khoảng 262.000 -291.500 đồng/bình 12 kg (tăng khoảng 5.000 – 5.500 đồng/bình 12kg).
Xăng dầu: Trong tháng 5/2016, căn cứ biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới, Bộ Công Thương đã ban hành 02 văn bản điều hành giá xăng dầu: Công văn số 3835/BCT-TTTN ngày 05/5/2016 và Công văn số 4353/BCT-TTTN ngày 20/5/2016. Tổng cộng 02 lần điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu trong tháng 5/2016 là 590-927 đồng/lít,kg (tùy từng mặt hàng); trong đó: Xăng Ron 92 tăng 889 đồng/lít, xăng E5 tăng 873 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tăng 927 đồng/lít, dầu hỏa tăng 742 đồng/lít, dầu madut 3,5S tăng 590 đồng/kg. Đồng thời giữ nguyên mức trích Quỹ BOG mặt hàng xăng dầu là 300 đồng/lít,kg (không bao gồm xăng E5); mức chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu (20/5/2016) như sau: Xăng khoáng 639 đồng/lít, xăng E5: 672 đồng/lít, dầu diezen các loại 846 đồng/lít; dầu hỏa: 1.029 đồng/lít, dầu madut 3,5S: 323 đồng/kg.
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tính đến lần điều chỉnh ngày 20/5/2016 như sau: Xăng Ron 92: 15.820 đồng/lít, xăng E5: 15.310 đồng/lít, dầu diesel 0,05S: 11.300 đồng/lít, dầu hỏa 9.640 đồng/lít, dầu madut 3,5S: 8.150 đồng/kg.
Vàng: Trong tháng 5/2016, trước trạng thái trồi sụt thất thường của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có những biến động tăng/ giảm, tuy nhiên do nhu cầu vàng trong dân trong thời điểm này không cao, nên gần như không gây tác động đến giá vàng trong nước. Thời điểm tháng 5/2016, giá vàng SJC dao động quanh mức 33,75-33,85 triệu đồng/lượng. Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (đầu tháng) dao động lần lượt ở mức 3,395-3,392 triệu đồng/chỉ, đến cuối tháng, giá vàng tăng nhẹ và dao động phổ biến ở mức 3,347-3,343 triệu đồng/chỉ, với mức tăng nhẹ lần lượt là 48.000-49.000 đồng/chỉ.
Đô la Mỹ: Trong tháng 5/2016, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh xu hướng giảm, thời điểm cuối tháng áp dụng ở mức 21.939 đồng/USD, tăng 97 đồng so với mức áp dụng đầu tháng. Tỷ giá những ngày cuối tháng liên tục có xu hướng tăng mạnh sau động thái Ngân hàng Nhà nước nới cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp. Theo đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá Đôla Mỹ đầu tháng được niêm yết ở mức mua vào/ bán ra là: 22.250-22.320 đồng/USD, đến cuối tháng tỷ giá có xu hướng tăng, hiện thời điểm cuối tháng được niêm yết ở mức 22.365-22.435 đồng/USD, với cùng mức tăng ở hai chiều mua vào/bán ra là 115 đồng/USD.
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 6/2016 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.887 đồng, tăng 34 đồng so với tháng trước.
Dự báo tháng 6/2016: Theo quy luật hàng năm, một số yếu tố sẽ gây sức ép lên mặt bằng giá tháng 6/2016 đó là: thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt lũy tiến tăng; tiêu thụ đồ giải khát, đồ may mặc, mũ nón, giày dép, vật liệu chống nóng, đồ gia dụng, điện tử như quạt máy, điều hòa nhiệt độ… phục vụ mùa hè cũng tăng từ đó gây sức ép tăng giá các hàng hóa, dịch vụ này. Giá một số nguyên nhiên vật liệu như xăng, dầu,… tại thị trường trong nước có thể tăng theo xu hướng tăng trên thị trường thế giới. Đồng thời, tháng 6 là tháng học sinh bắt đầu nghỉ hè, mùa thi và mùa du lịch nên nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ mát, vận tải hành khách, lưu trú và khách sạn tăng dự báo sẽ tác động làm tăng giá nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.
Tuy nhiên, do nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới./.
– Nguồn : Cổng thông tin Cục quản lý Giá – Bộ Tài Chính
Bình luận
Tin liên quan