Các dân tộc Việt Nam theo nhóm ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Tạng - Mianma

Ngày xuất bản : 20/08/2017 | 15:31

Người Si La quần tụ trong vài ba bản ở huyện Mường Tè, Lai Châu. Trước kia chuyên làm nương du canh, nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô trên ruộng và nương, hái lượm giữ vị trí quan trọng trong đời sống. Người Si La ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên và một cửa ra vào; bếp lửa đặt ở giữa nhà. Phụ nữ mặc váy dài gần kín chân; áo ngắn hở bụng, cài khuy bên nách phải, nổi bật là vạt ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm; cổ và tay áo được trang trí bằng cách gắn lên những đường vải màu khác nhau. Váy màu đen hay chàm, khi mặc giắt ra phía sau. Khăn đội đầu phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai. Tục nhuộm răng phổ biến, nam giới nhuộm đỏ, nữ nhuộm đen. Quan hệ dòng họ khá chặt chẽ, mỗi chi họ có người già nhất đứng đầu, người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ.

1. Dân tộc Cống

Người Cống sinh sống tập trung ở các xã của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy với kỹ thuật canh tác lạc hậu như phát rừng, đốt rẫy, chọc lỗ tra hạt. Ngày nay đã biết dùng cuốc và sức kéo; biết trồng bông nhưng chưa biết dệt vải; có một số nghề phụ như đan lát, đan chiếu mây nhuộm đỏ; săn bắn hái lượm vẫn được duy trì.

Người Cống ở trong những ngôi nhà sàn 3 hay 4 gian, chỉ có một cửa ra vào; chạy dọc theo vách mặt chính của nhà có thêm một chiếc sàn nhỏ ít có giá trị sử dụng nhưng nhà nào cũng có là đặc trưng trong nhà người Cống. Y phục của người Cống giống người Thái. Trong đời sống xã hội, người phụ nữ có vai trò quan trọng. Tục ở rể được thực hiện nghiêm ngặt, trước kia khoảng 8-12 năm. Sau lễ dạm hỏi, người con trai đến nhà gái ở rể, cũng từ đó người con gái búi tóc ngược đỉnh đầu, dấu hiệu của người đã có chồng. Khi hạn ở rể đã hết, tiến hành lễ đón dâu về nhà trai. Nếu nhà trai là người cùng bản phải cõng cô dâu về tận nhà. Trong ngày cưới, người ta không mặc quần áo mới vì có tục vẩy nước tro lên đoàn đón dâu trước khi ra về để cầu may.

Tang ma của người Cống có nhiều nét riêng. Người chết được đặt trong quan tài bằng thân cây bổ đôi khoét rỗng, mười hai ngày sau khi chôn người chết con cháu mới lập bàn thờ trong nhà. Con cái để tang cha mẹ bằng cách cạo trọc đầu (con trai), cắt tóc mai (con gái) và đội khăn tang cho tới khi cúng cơm mới. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên 2-3 đời theo phụ hệ là việc cúng ma bố, mẹ vợ vào dịp tết. Hàng năm cứ đến tháng 3 âm lịch, các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt, các ngả đường vào bản được làm cổng, cấm một ngày không cho người lạ vào bản. Người Cống thường múa hát vào dịp lễ tết, nhất là trong đám cưới. Hát đối đáp giữa nhà trai, nhà gái ở chân cầu thang trước khi lên nhà thực sự là một cuộc thi hát dân gian.

2- Dân tộc Hà Nhì

Dân tộc Hà Nhì quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt- Trung, Việt -Lào thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu). Người Hà Nhì sớm biết trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ giỏi việc khai khẩn tạo nên những thửa ruộng trên sườn núi dốc với những mương dẫn nước khéo léo; đồng thời cũng làm nương cầy, nương cuốc. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo lối thả rông, đàn trâu nuôi thả rông trong rừng có đến hàng trăm con. Nghề thủ công có dệt vải và đan lát khá phát triển; hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày.

Làng bản tập trung đông gia đình, có bản đông tới 50-60 hộ; nhà đất xây đắp khá kiên cố, tường dày tới 40-60 cm. Tính cộng đồng trong làng bản được thể hiện rõ nét trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong hôn nhân, từng vùng có phong tục khác nhau nhưng đều do trai gái tự tìm hiểu. Ở vùng Bát Xát, lễ cưới được tổ chức hai lần, lễ cưới thứ nhất nhằm đưa con dâu về nhà chồng; lần cưới thứ hai ăn uống linh đình ở nhà gái, lễ này chỉ diễn ra khi đôi vợ chồng làm ăn khá giả, có người cho đến khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới này. Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng, nhà có trẻ mới sinh được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở phía trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải sinh con gái, bên trái sinh con trai. Khi có người chết, nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Kiêng chôn vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn, hết mùa mưa mới hạ huyệt và lấp đất. Người Hà Nhì có nhiều chuyện thần kỳ, cổ tích, trường ca, ca dao, thành ngữ... Dân ca, dân vũ là những hình thức văn nghệ được mọi lứa tuổi ưa thích.

3. Dân tộc La Hủ

Người La Hủ sinh sống tập trung ở các xã Pa ủ, Pa Vệ Sủ, Ka Lăng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Người La Hủ chủ yếu làm nương du canh với nhịp độ luân chuyển cao. Gần đây họ chuyển dần sang trồng lúa trên ruộng bậc thang. Người La Hủ nổi tiếng về nghề đan lát (mâm cơm, ghế mây), rèn. Săn bắt, đánh cá, hái lượm có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế.

Hiện nay, người La Hủ phổ biến ở nhà trệt; bếp, bàn thờ và giường ngủ của gia đình bao giờ cũng ở chung một gian. Trong hôn nhân, việc cưới hỏi được tiến hành qua nhiều bước; trong số lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc, sau lễ cưới cô dâu cư trú bên chồng. Khi nhà có người chết, người ta bắn súng để đuổi ma và báo cho họ hàng, làng xóm biết. Người ta cúng tổ tiên, bố mẹ và người thân chỉ vào các dịp cơm mới, ngày tết tháng bảy hay gieo xong lúa nương, khi cưới xin, ma chay. Không có tục cúng vào ngày giỗ. Lễ vật duy nhất dâng cho tổ tiên là cơm gói trong lá rừng.

4. Dân tộc Lô Lô

Dân tộc Lô Lô cư trú chủ yếu ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai). Người Lô Lô chủ yếu làm ruộng nước và nương định canh, chăn nuôi gia đình tương đối phát triển và là một nguồn lợi đáng kể.

Bản làng đặt ở lưng chừng núi và gần nguồn nước, mỗi bản có từ 20-30 nóc nhà, với ba loại hình nhà: nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất, nhà sàn. Phụ nữ có nhóm mặc áo cổ tròn, xẻ ngực; có nhóm mặc áo cổ vuông chui đầu, quần chân què, có nơi bên ngoài còn quấn thêm váy lửng, chân quấn xà cạp. Trang trí y phục bằng hoa văn chắp ghép những mảng vải màu, họ có sử dụng hoa văn in bằng sáp ong. Phong tục cưới xin của người Lô Lô mang nặng tính gả bán với việc thách cưới cao. Sau hôn nhân cô dâu cư trú bên chồng, con trai cô có thể lấy con gái cậu song không thể ngược lại. Tang ma có nhiều lễ thức độc đáo như hoá trang, nhảy múa, đánh lộn... Người Lô Lô có chữ tượng hình từ khá sớm nhưng nay không còn dùng. Về văn nghệ, là một trong số ít các dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng với tư cách là một nhạc khí chỉ được dùng trong đám tang, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian của cộng đồng. Chỉ có những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống. Ngày thường người ta chôn trống dưới đất ở nơi sạch sẽ, kín đáo.

5. Dân tộc Phù Lá

Người Phù Lá sinh sống tập trung ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La và đông nhất là Lào Cai. Kinh tế nông nghiệp làm nương và ruộng bậc thang; các sản phẩm đan bằng mây, trúc với nhiều hoa văn, màu sắc như các đồ đựng quần áo, thức ăn rất nổi tiếng. Họ quen sử dụng nỏ, tên tẩm thuốc độc để săn bắn; trồng bông, dệt vải, xe sợi bằng con trượt. Về y phục, có sự khác nhau giữa các nhóm. Nữ giới nhóm Phù Lá Lão- Bồ Khô Pạ mặc váy, áo ngắn, cổ vuông chui đầu, vừa thêu, vừa trang trí bằng hạt cườm, thắt lưng đính vỏ ốc núi. Các nhóm khác mặc quần, áo dài xẻ ngực hay áo ngắn xẻ nách. Chiếc áo của nam giới Phù Lá Lão rất độc đáo, sau lưng đính nhiều hạt cườm. Nam nữ Phù Lá thường đeo túi vải bên mình.

Trai gái tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Nếu yêu nhau, người con trai được vào ngủ với người yêu của mình. Trong đám cưới có tục uống rượu, hát đối để được vào nhà và đưa cô dâu về nhà trai, tục co kéo cô dâu giữa nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước bẩn và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về. Khi sinh đẻ, sản phụ đẻ ngồi, họ không được ngủ trên giường mà phải ngủ trên đệm rơm. Người Phù Lá thờ cúng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Một bộ phận người Phù Lá ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Xín Mần có truyền thống sử dụng chữ Hán và xem tiếng Hán phương nam như công cụ giao tiếp hàng ngày. Kho tàng văn học dân gian phong phú, nhiều truyện cổ tích rất gần với với mô típ của người Kinh. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Trai gái thích hát giao duyên. Nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xoè trong âm hưởng của các làn điệu dân ca Thái.

6. Dân tộc Si La

Người Si La quần tụ trong vài ba bản ở huyện Mường Tè, Lai Châu. Trước kia chuyên làm nương du canh, nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô trên ruộng và nương, hái lượm giữ vị trí quan trọng trong đời sống. Người Si La ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên và một cửa ra vào; bếp lửa đặt ở giữa nhà. Phụ nữ mặc váy dài gần kín chân; áo ngắn hở bụng, cài khuy bên nách phải, nổi bật là vạt ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm; cổ và tay áo được trang trí bằng cách gắn lên những đường vải màu khác nhau. Váy màu đen hay chàm, khi mặc giắt ra phía sau. Khăn đội đầu phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai. Tục nhuộm răng phổ biến, nam giới nhuộm đỏ, nữ nhuộm đen. Quan hệ dòng họ khá chặt chẽ, mỗi chi họ có người già nhất đứng đầu, người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ.

Những người cùng họ không được lấy nhau. Trai gái yêu nhau được quan hệ với nhau, người con trai được ngủ qua đêm tại nhà người yêu của mình. Có tục cưới hai lần, lần đầu đón cô dâu về nhà chồng, lần thứ hai sau một năm, nhà trai trao tiền cưới cho nhà gái. Khi có người chết, cộng đồng tổ chức vui chơi ca hát, không khóc. Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Không có tục cải táng và tảo mộ. Để tang bằng cách con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ. Con cái thờ cúng bố mẹ đã mất, thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Lễ cúng bản là lễ cúng quan trọng nhất cầu mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm.

Bình luận

Những trường đánh dấu * là bắt buộc, địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị công khai

Thong ke