"Ngày hội truyền thống Cơ Tu" tại Làng VHDL các DTVN

Ngày xuất bản : 20/08/2017 | 12:18

(LVH) - Sáng 19/8, hoạt động "Ngày hội truyền thống Cơ Tu" với sự tham gia của đồng bào Cơ Tu đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu diễn ra tại không gian làng dân tộc Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

(LVH) - Sáng 19/8, hoạt động "Ngày hội truyền thống Cơ Tu" với sự tham gia của đồng bào Cơ Tu đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu diễn ra tại không gian làng dân tộc Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).  

Hoạt động “Ngày hội truyền thống Cơ Tu” là một trong hoạt động tháng 8 “Em yêu Làng em” do Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Chương trình biểu diễn của đồng bào Cơ Tu còn có  sự tham gia của đồng bào Tà Ôi

Trong khuôn khổ Ngày hội, đồng bào Cơ Tu sẽ giới thiệu tới du khách những màn biểu diễn dân ca, dân vũ đặc trưng của dân tộc mình ca ngợi quê hương, bản sắc văn hóa Cơ Tu như: các điệu hát lý, nói lý, dân ca trong nghệ thuật diễn xướng dân gian; trình diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ (abel, sáo, a henn, tù và, trống…) đặc biệt, giới thiệu điệu múa tung tung da dá một trong những nghệ thuật không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của người Cơ Tu.

Điệu múa tung tung da dá

Tung tung da dá (còn gọi là “vũ điệu dâng trời”) được xem là tuyệt tác nghệ thuật, là tâm hồn, là biểu tượng của văn hóa truyền thống Cơ Tu. Điệu múa bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ xa xưa. Trong đó, tung tung (múa nam) với những động tác khỏe khoắn, tái hiện cảnh đấu tranh chinh phục thiên nhiên, còn da dá (múa nữ) với những bước chân uyển chuyển, đôi tay vươn lên khỏi đầu như chống cả bầu trời. Vũ điệu thường được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc của người Cơ Tu với mong ước về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc. 

Đồng bào và du khách cùng  hòa chung điệu múa tung tung da dá

Bên cạnh đó, sẽ Tái hiện Lễ mừng nhà Gươl mới. đây là lễ hội rất quan trọng bởi nhà Gươl có vai trò rất lớn trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Ngoài ra, còn giới thiệu hoạt động chế tác nhạc cụ, đan lát nổi bật nhất là dệt Zèng; giới thiệu ẩm thực truyền thống và các sản vật địa phương như: cơm lam, bánh sừng trâu, rượu cần, rượu đoác, nếp than, nếp tím…

Phụ nữ Cơ Tu với nghề dệt Zèng truyền thống
Nhiều sản phẩm thủ công, sản vật của đồng bào Cơ Tu cũng được giới thiệu tại đây

Các hoạt động "Ngày hội truyền thống Cơ Tu" sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 19 - 20/8, sẽ là dịp để đồng bào Cơ Tu giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc mình tới du khách thập phương tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hải Yến

Bình luận

Những trường đánh dấu * là bắt buộc, địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị công khai

Thong ke